Tìm hiểu những bài thuốc chữa bệnh hiệu quả từ mướp đắng

1. Đặc điểm và công dụng của mướp đắng

Mướp đắng, loại quả nhỏ có tên khoa học là Momordica charantia L. var. abreviata Ser. Loại quả to là M. charantia L. var. charantia L. Họ Bí (Cucurbitaceae).

Quả dài, có nhiều u lồi không bằng nhau ở mặt ngoài, ruột màu đỏ, màu vàng hồng khi chín; thu hái lúc còn đang màu lục hoặc hơi vàng, dùng tươi.

Lá mọc so le, có 5 – 7 thùy, mép có răng cưa, gốc hình tim, gân lá có lông ngắn. Lá non mướp đắng dùng tươi nấu canh với lá câu kỷ và hoa thiên lý được dùng để chữa lao lực, mệt mỏi, sốt khát nước.

Mướp đắng nên dùng đối với các chứng nhiệt độc tích tụ trong cơ thể.

Để làm thuốc, lá mướp đắng phơi khô, tán bột, uống mỗi lần 12g với rượu chữa mụn nhọt, lở loét, đau nhức (kết hợp lấy lá tươi giã nát, hơ nóng đắp). Dùng ngoài, lá mướp đắng tươi rửa sạch, giã đắp chữa lòi dom

Hạt mướp đắng (khổ qua tử), hạt dẹt, lấy ở những quả chín, phơi khô có tác dụng chữa ho, viêm họng, rắn cắn. Liều dùng: 5 – 10g/ngày.

Quả mướp đắng, theo Đông y có vị đắng, tính lạnh, không độc, lợi về kinh can, tỳ, tâm, vị; có tác dụng giải thử chỉ khát (giải nhiệt trong mùa hè, chống khát), thanh nhiệt giải độc, thanh can minh mục (mát gan, sáng mắt); dùng chữa say nắng phát sốt, bệnh nhiệt phiền khát, kiết lỵ, mắt đau sưng đỏ, mụn độc sưng tấy. Dùng ngoài, quả mướp đắng băm nhỏ, nấu nước tắm cho trẻ, bã xát nhẹ trên da là thuốc phòng rôm sẩy.

Dùng mướp đắng chữa bệnh trĩ là mẹo đơn giản được nhiều người áp dụng

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, quả mướp đắng chứa các glucosid triterpenic, trong đó có charantin, momordicosid; các acid amin (acid aspartic, threonin, methionin, tyrosin, arginin…); các lipid (glucolipid, phospholipid); lycopen, caroten, cryptoxanthin; các vitamin C, B1, B2 E, PP; các chất khoáng Ca, Mg, Cu, Fe, Zn…

Hạt chứa glucosid, chất béo, chất nhựa. Thân và lá có momordicin. Dịch ép quả mướp đắng làm giảm glucose máu, tăng cường chức năng miễn dịch, chống virus và ngăn ngừa ung thư. 2. Cách bài thuốc thường dùng từ cây mướp đắng

– Phòng ngừa say nắng, phát sốt: Mướp đắng (đã bỏ lõi, phơi khô) 15g, sắc nước uống thay trà.

– Giải nhiệt, chữa đau răng, viêm lợi do ăn nhiều thức ăn cay nóng: Mướp đắng 1-2 quả, rửa sạch, bỏ hạt, ép lấy nước uống.

– Thanh nhiệt, sinh tân, chữa cảm nắng: Mướp đắng 60g, cuống lá sen 30g, đậu ván trắng 15g. Đun nước uống hàng ngày.

– Chữa ho lâu ngày, ho khan, ho có đờm: Hạt mướp đắng 40 hạt, hạt chanh 40 hạt, mật gà 20 cái. Hai loại hạt sao khô, tán nhỏ, trộn với nước mật cho thật đều, rồi phơi khô, sau tán lại cho đều và mịn. Cuối cùng, luyện với sirô (nấu từ 50g đường trắng) làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Trẻ em 1 – 5 tuổi, mỗi lần uống 2 – 4g; 6 – 10 tuổi, mỗi lần 5 – 8g. Ngày hai lần.

 

Có thể xay nước ép mướp đắng để uống 2 – 3 lần mỗi tuần

– Hỗ trợ và điều trị đái tháo đường:

Cách 1: Mướp đắng tươi 100g, thái nhỏ, hãm nước sôi trong bình kín, uống thay trà.

Cách 2: Quả mướp đắng tươi, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô, tán bột, rây mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 g, uống sau bữa ăn.

Cách 3: Dùng mướp đắng 150g thái nhỏ, gạo tẻ 50g; cho gạo vào nồi, thêm nước vào đun sôi một lúc, sau đó cho mướp đắng vào nấu tiếp đến khi cháo chín; mỗi ngày ăn 2 lần, ăn lúc cháo còn ấm.

– Hỗ trợ chữa thấp khớp: Lá mướp đắng 10g, rễ cây xấu hổ 8g (sao), dây đau xương 8g (tẩm rượu sao), rễ nhàu 8g, rễ cỏ xước 8g, vòi voi 8g (sao), lá cây ngũ trảo 5g, quế chi 4g, gừng sống 3g, dây thần thông 2g. Tất cả cắt nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

Kiêng kỵ: Theo Đông y, mướp đắng có tính lạnh, chỉ nên dùng đối với các chứng nhiệt độc tích tụ trong cơ thể. Những người tỳ vị hư hàn (chức năng tiêu hóa yếu) không nên dùng nhiều dễ dẫn đến đau bụng, tiêu chảy.

Theo SKĐS

0589929999